EN   VI

VÌ SAO ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP NẶNG

Xã hội ngày càng có nhiều nhu cầu về dùng máy móc, nhất là sau khi ta tham gia WTO mở cửa thị trường Việt Nam.

Hãy xem xung quanh, đâu cũng có máy móc: ra đường thì gặp ô tô, xe máy, cần cẩu xây dựng…, trong nhà thì có điều hòa, tủ lạnh, điện thoại, máy ảnh…, có nghĩa là trong cuộc sống con người có nhu cầu dùng máy móc ngày càng nhiều và hiện đại, hệ quả là muốn có thiết bị, máy móc phải có cơ khí (cơ khí nặng, cơ khí chính xác, cơ điện tử…), thép, hóa chất, các vật liệu khác, tức là phải xây dựng công nghiệp nặng.

Chúng ta kêu gọi, khuyến khích đầu tư nước ngoài thế nhưng họ đầu tư rất ít cho các ngành sản xuất thuộc công nghiệp nặng. Vì sao vậy? Đơn giản vì đầu tư cho công nghiệp nặng cần rất nhiều vốn, rất lâu mới thu hồi được, việc bán máy móc, thiết bị lại có lời hơn, mặt khác nước được đầu tư sẽ có thể tự sản xuất các hàng hóa quan trọng, thiết yếu nhờ công nghiệp nặng để từ đó có thể vươn lên cạnh tranh với chính nước đầu tư. Ngoài ra, nếu nước ngoài không đầu tư công nghiệp nặng cho nước sở tại thì nước sở tại thường phải nhập khẩu hàng từ nước ngoài, sẽ bị động và phụ thuộc

Trước đây, khi đến tham quan nước ngoài, tôi có gợi ý các hãng sản xuất chế tạo liên quan đến cơ khí nặng, cơ khí chính xác, cơ điện tử, đóng tàu đầu tư vào Việt Nam, nhưng họ chưa mặn mà. Tuy nhiên, cũng có một vài nhà đầu tư vào nhưng họ chỉ sản xuất cấu kiện xuất khẩu và sửa chữa tàu mà không quan tâm đến sản xuất chế tạo máy.

Tóm lại, công nghiệp nặng không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế mà là vấn đề lớn hơn: đó là sự độc lập, tự chủ, đó là vị thế của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Lẽ dĩ nhiên, đất nước nào mới bước vào công nghiệp hóa, tiến hành xây dựng nền công nghiệp nặng cũng gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm quản lý, trang thiết bị, nhân công kỹ thuật Thực tế còn chứng tỏ rằng chẳng nước nào có thể tự đứng ra sản xuất mọi thiết bị (trừ một số nước lớn) và cũng chẳng nước nào cứ bị động, nhập mọi thứ máy móc thiết bị về dùng.

Trong điều kiện kinh tế quốc tế ngày nay, trên thực tế có nhiều sản phẩm công nghiệp hiện đại do nhiều nước, nhiều công ty xuyên quốc gia cùng tham gia sản xuất. Chắc chắn khi tham gia WTO thì điều đó càng dễ xảy ra. Vì vậy, tùy vào hoàn cảnh, địa lý, vị trí quốc tế, tầm nhìn, lòng tự tôn dân tộc…, mỗi quốc gia nên lựa chọn xây dựng chiến lược công nghiệp nặng cho phù hợp với chính mình. Đó cũng là tính hợp lý của phát triển công nghiệp nặng trong điều kiện mới.

Xin nêu ví dụ trường hợp Hàn Quốc, do có chính sách đúng về công nghiệp nặng, nên họ rất cần kiệm để tích lũy vốn và sử dụng hiệu quả vốn tự có và vốn vay từ nhiều nguồn, nên trong vòng hơn 30 năm, họ đã có một nền công nghiệp nặng rất mạnh, sản xuất được máy móc, thiết bị, công nghệ cao và chính xác, làm ra rất nhiều sản phẩm bán khắp thế giới như: thép, hóa chất, vật liệu cần thiết, ô tô, tủ lạnh, ti vi, điện thoại di động, đóng tàu.

Các thương hiệu Daewoo, Hyundai, Samsung… dần chiếm được chỗ đứng trong thị trường quốc tế. Ngày nay, Hàn Quốc là một nước có nền kinh tế xếp vào hàng thứ 10 trên thế giới.

– Nói đến công nghiệp hóa và xây dựng công nghiệp nặng thì phải đề cập đến nhân tố công nhân, là người luôn quan tâm đến đời sống công nhân, đồng chí có thể cho biết ý kiến về quyền lợi của họ trong giai đoạn hiện nay và sắp tới?

– Phải nói ngay rằng quá trình công nghiệp hóa, phát triển công nghiệp nặng cũng là quá trình phát triển đội ngũ công nhân chính quy tiến lên hiện đại, trước hết là công nhân kỹ thuật, tăng thêm vị thế của đội ngũ công nhân. Việc trí thức hóa công nhân, cùng với đảm bảo lợi ích kinh tế, nâng cao đời sống thích ứng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa là yêu cầu cấp thiết.

Mục tiêu lâu dài của chúng ta là: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; việc xây dựng được nền công nghiệp nặng, thúc đẩy nhanh, vững chắc công nghiệp hóa, hiện đại hóa là để phục vụ mục tiêu trên. Nâng cao đời sống mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có công nhân, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với công bằng xã hội, cũng chính là thực hiện mục tiêu lâu dài, chiến lược đó.

Hiện nay Nhà nước chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; xã hội ngày có nhiều doanh nghiệp ra đời, doanh nghiệp dần có vị trí xứng đáng trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp nặng, nếu có hướng phát triển đúng, đào tạo được công nhân tay nghề cao, tích cực áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, xây dựng được thương hiệu hàng hóa chất lượng đảm bảo, có thị trường ổn định thì sẽ thu được lợi nhuận cao, đời sống công nhân và người lao động sẽ liên tục được cải thiện, cả về vật chất và tinh thần.

Ngay từ năm 1947, Hồ Chủ tịch đã ký ban hành Sắc lệnh số 29-SL, ngày 12-3-1947, quy định rõ tại Điều 9: Để khuyến khích công nhân trong các ngành kỹ nghệ và thương mại, có thể định cho công nhân tham gia vào việc chia lãi hàng năm. Ngay từ thời đó mà Bác Hồ đã nhìn rất xa, rất thấu hiểu vấn đề quyền lợi công nhân.

Sản xuất được hàng hóa rồi, phải tính toán minh bạch phần chi từ vốn, phần khấu hao từ máy móc, công sức lao động, phần tích lũy để tái sản xuất mở rộng rồi quy hàng hóa và các thứ vừa nêu thành tiền, lấy số tiền thu được trừ đi phần chi sẽ ra phần lãi, cái lãi đó doanh nghiệp và người lao động, công nhân đều được chia theo quy định của hợp đồng.

Hiện nay, người ta thường chia lãi theo cổ phần (đối với doanh nghiệp nhà nước thì chia theo cổ phần ưu đãi cho người lao động) để ai có cổ phần đều được hưởng cổ tức. Chính vì thế nhà nước cần có các chính sách để sao cho công nhân được hưởng các quyền lợi theo luật pháp, gồm cả việc mua cổ phần, bảo hiểm và các quyền lợi an sinh xã hội khác, để khỏi thua thiệt…

– Đồng chí có dự báo gì đối với sự lớn mạnh của công nghiệp nặng Việt Nam?

– Tôi tin tưởng rằng: Trong tương lai, nước ta sẽ có những ngành thuộc công nghiệp nặng phát triển tương xứng với nhu cầu của đất nước và tầm vóc Việt Nam trong khu vực.

Đó là các ngành như công nghiệp đóng tàu – vì nước ta có hơn 3.000km bờ biển, nhiều chỗ có thể kết hợp xây dựng cảng nước sâu, khu bến cảng, kho bãi cho việc chu chuyển hàng hóa quá cảnh quốc tế, phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị để trang bị cho nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, giao thông vận tải, xây dựng; phát triển các ngành dịch vụ và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp quốc phòng.

Về cơ điện tử, ta có thể tiếp tục sản xuất máy tính cá nhân, một số linh kiện chuyên dụng, chế tạo điện thoại cầm tay, các máy móc thế hệ mới về truyền thông đa phương tiện… Với một đất nước trăm triệu dân thì phải đặc biệt quan tâm đến ngành công nghiệp điện lực, sản xuất thép và chế tạo máy.

Vấn đề là phải có thời gian để chúng ta triển khai các chủ trương tầm chiến lược đúng đắn, khả thi, hiệu quả của Đảng – Nhà nước; các yếu tố khác cần đáp ứng là: nguồn lực được chuẩn bị tốt, kịp thời, được đào tạo bài bản; người lao động tiếp thu, hấp thụ nhuần nhuyễn cả lý thuyết lẫn thực hành từ trong quá trình thực hiện chuyển giao khoa học công nghệ từ các đối tác nước ngoài; sự tích lũy các loại vốn: không chỉ vốn tài chính, vốn tri thức, vốn về quản lý, kinh nghiệm của chính quá trình công nghiệp hóa mà cả nhận thức xã hội nữa; phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng được một đội ngũ những người có lòng yêu nước, học hành, chí lớn, hoặc bất cứ ai có tài năng vượt trội, tất cả họ phải có thực học, thực tài, thực tiễn, đủ cả lực, cả tâm, cả tài, tầm nhìn, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm (càng nhiều người như Lê Quý Đôn, Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Nguyễn Lộ Trạch… càng tốt), để có thể đảm đương các vị trí kiến trúc sư, công trình sư, đứng mũi chịu sào trong các lĩnh vực, vì sự nghiệp chấn hưng đất nước, xây dựng công nghiệp nặng tương thích với giai đoạn mới, đưa công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiến những bước dài, căn bản, thúc đẩy mọi mặt kinh tế, môi trường, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng cùng phát triển hài hòa, bền vững.

Footer with Social Icons